Ơ Đu là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam sống tập trung chủ yếu ở tỉnh Nghệ An. Vì là dân tộc ít người lại chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ các dân tộc khác nên văn hóa của người Ơ Đu đã bị mai một khá nhiều. Trong đó, trang phục truyền thống của họ có nhiều điểm tương đồng với người Thái tuy nhiên vẫn có những nét độc đáo riêng về họa tiết, hoa văn trang trí. Để phục dựng và bảo tồn văn hóa của đồng bảo Ơ Đu, ngày nay chính quyền địa phương đang tích cực đầu tư, quan tâm và thường xuyên khuyến khích người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trang phục của người Ơ Đu có nhiều nét tương đồng với trang phục của người Thái
Ơ Đu là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Hiện nay, đồng bào Ơ Đu cư trú tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương (Nghệ An). Do quá trình chung sống cộng cư trong một thời gian dài với đồng bào các dân tộc khác trong vùng nên văn hóa truyền thống của dân tộc Ơ Đu đã bị mai một đi khá nhiều. Tuy nhiên, quan sát họa tiết trang trí trên chân váy của phụ nữ. Có thể dễ dàng phân biệt trang phục truyền thống của người Ơ Đu có những nét độc đáo riêng.

Bà Vi Thị Dung (dân tộc Thái, lấy chồng là người Ơ Đu) ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương là một trong số ít người còn biết dệt, thêu, may trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu. Bà Dung cho biết: “Để làm ra một bộ trang phục cần sự kiên trì, tỉ mỉ. Và mất không ít thời gian. Vì tất cả các công đoạn đều phải làm bằng phương pháp thủ công”.
Lâu nay, người Ơ Đu sử dụng trang phục có nhiều nét tương đồng với trang phục của người Thái. Váy, thắt lưng và khăn quấn đầu của người Ơ Đu đều được dệt bằng sợi tơ tằm.
Những nét độc đáo riêng trong trang phục của người Ơ Đu
Tuy nhiên điểm khác biệt dễ nhận thấy là chân váy của người phụ nữ Thái thường được thêu với nhiều loại hoa văn phần lớn là các hình mô phỏng về thiên nhiên như hoa lá, động vật, mặt trời, các hình khối với nhiều màu sắc sặc sỡ. Còn chân váy của người phụ nữ Ơ Đu thường thêu các hình khối zíc zắc. Và nhỏ bản hơn so với chân váy người phụ nữ Thái.
Thân váy và áo của người phụ nữ Ơ Đu thường là màu đen. Áo của phụ nữ Ơ Đu có tay phải dài, không có áo tay ngắn. Tuy nhiên, chiều dài của áo thì chỉ quá ngực, vừa chạm đến phần eo. Áo không khuy, không cúc, mà dùng 4 sợi dây buộc chéo; thắt lưng và khăn quấn đầu không thêu hoa văn.
Văn hóa truyền thống của dân tộc Ơ Đu đã bị mai một đi khá nhiều

Theo bà Mạc Thị Tím, Trưởng bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương (Nghệ An) thì những năm gần đây, các cấp các ngành thường xuyên quan tâm đầu tư kinh phí để phục dựng lại những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Ơ Đu; Chi bộ, BQL bản cũng thường xuyên tuyên truyền. Nên bà con người Ơ Đu đã từng bước ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Được biết hiện nay, mỗi bộ trang phục đầy đủ gồm có: váy, áo; dây thắt lưng, khăn quấn đầu có giá bán từ 700 ngà đến 1 triệu đồng/ bộ.
Những nét văn hóa truyền thống đặc trưng được gìn giữ, bảo tồn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển của dân tộc Ơ Đu. Tuy nhiên hiện nay người Ơ Đu chỉ còn giữ được ý thức tự giác về tộc người. Còn ngôn ngữ thì hầu như đã mất (chỉ còn một vài người biết tiếng mẹ đẻ).
Họ sử dụng thông thạo tiếng Thái và tiếng Khơ Mú hoặc biết thêm tiếng Việt. Bản sắc văn hóa của người Ơ Đu mờ nhạt. Vì chịu ảnh hưởng của người Thái và người Khơ Mú. Trong lần tổng điều tra dân số toàn quốc năm 1989; nhiều người Ơ Đu tự khai là người Thái hay người Khơ Mú.