Việt Nam được biết là một đất nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước. Vì vậy, trong mâm cơm người Việt lúc nào cũng phải có hình ảnh của hạt gạo thơm dẻo, miếng cá, miếng thịt hay miếng rau xanh. Trong đó, dụng cụ không thể thiếu trong bữa ăn đó chính là đôi đũa. Từ trẻ cho đến già, gái cho đến trai, giàu cho đến nghèo đều biết đến hình ảnh của đôi đũa. Cách dùng đũa có lẽ đã in sâu trong tâm trí của người Việt từ xưa cho đến nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nên kiêng kỵ điều gì khi dùng đũa để gắp thức ăn. Do đó, hãy nhanh chóng xem ngay bài viết này nhé!
Nguồn gốc của đôi đũa Việt
Đũa ra đời từ khoảng năm 1800 trước Công nguyên, thoạt tiên, những đôi đũa có kích thước lớn, dùng để nấu ăn là chính. Đến khoảng năm 200 trước Công nguyên, đũa bắt đầu trở thành món đồ dùng phổ biến trong các bữa ăn của người phương Đông.
Ở Việt nam, văn hóa dùng đũa còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ một cách tinh tế. Khởi đầu bữa ăn, đặc biệt là trong những bữa cỗ truyền thống, trước khi gắp đồ cho chính mình, người ta dùng đôi đũa còn sạch để gắp đồ ăn mời “một vòng” quanh mâm. Văn hóa dùng đũa của người Việt không quá khắt khe, trẻ nhỏ thường chỉ bắt đầu học cách dùng đũa khi đã lên 5-6 tuổi.

Nếu ở nhiều quốc gia Á Đông, hành động chống thẳng đôi đũa trong bát cơm bị coi là điềm gở, gắn liền với hình ảnh… bát cơm cúng, thì người Việt Nam, ngoài ra, còn kiêng không gõ đũa vào nhau, không gõ đũa vào bát hay bất cứ thứ gì khác, để tạo nên tiếng động.
Cách dùng đũa của người Việt Nam
Trong văn hóa dân gian, người Việt Nam tin rằng việc gõ đũa bát trong bữa ăn sẽ khiến ma đói tìm tới quấy nhiễu. Thêm vào đó, người Việt cũng đề cao phép lịch sự rằng khi ăn không được tạo nên tiếng “động bát động đũa” ồn ào hay tiếng nhai tóp tép…
Đũa ở miền bắc Việt Nam thường được làm từ tre. Đũa ở miền nam thường được làm từ gỗ dừa. Đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí. Đầu đũa cũng thường không để quá nhỏ. Nét điểm của văn hóa ăn uống Việt ngoài những nét bình dị ra nó còn mang trong mình những giá trị bản sắc riêng so với các quốc gia cận vùng lãnh thổ.
Một số loại đũa của người Việt
Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có nét văn hóa khác nhau. Nhưng điểm chung là đều sử dụng đũa. Ở miền Bắc có những lũy tre làng bao phủ nên người dân dùng thanh tre già để gọt đũa. Miền Nam lại chủ yếu là những tán dừa nên sử dụng đũa dừa. Tuy nhiên, thông dụng nhất vẫn là đũa tre, đũa gỗ. Xưa người nông dân tự vót đũa thành thanh vuông. Một đầu được vót tròn để dễ gắp thức ăn. Chính vì thế có câu ca dao về việc vót đũa trong dân gian:
“Đời cha cho chí đời con,
Muốn vót cho tròn thì hãy đẽo vuông”

Cũng chỉ có ở Việt Nam mới có đũa để xới cơm từ nồi ra bát. Đó là dạng đũa cả lớn, dẹt và làm từ tre hoặc gỗ. Trước khi xới cơm, muốn cơm không dính cần nhúng đũa cả vào nước. Sau khi xới cơm dùng chiếc đũa nọ gạt cơm ra khỏi chiếc kia để đũa sạch cơm. Đây là cách sinh hoạt xưa kia ở các vùng nông thôn Việt Nam. Và hiện nay gần như không còn.