Cứ đến tháng 9 âm lịch hàng năm, khách du lịch lại nô nức đến tham dự lễ hội chùa Keo ở Thái Bình. Dù có rất nhiều người tham gia nhưng nơi đây vẫn giữ được nét tôn nghiêm, thành kính, khiến cho du khách trở nên thanh thản đến lạ kỳ. Không những thế, ngày hội này còn có ý nghĩa đặc biệt. Đây là nét văn hóa truyền thống được gìn giữ từ nhiều đời của người dân nơi đây. Những người đi trẩy hội như được trở về quá khứ hào hùng và tốt đẹp của cha ông đời xưa. Họ là những người đã có nhiều công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Bạn đã biết về ngày hội ý nghĩa này chưa nhỉ?
Lễ hội chùa Keo thu hút nhiều người đến tham dự
Chùa Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình mỗi năm tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch. Hội thu dược mở vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch và là hội chính. Nhằm tưởng nhớ, suy tôn Ðức Thiền sư Không Lộ. Người giỏi Phật pháp và pháp thuật. Ông đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý và được phong làm quốc sư.

Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Đối với người dân Thái Bình, Ðức Thiền sư Không Lộ không chỉ là một vị thiền sư. Mà còn là một vị Thánh có uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn. Lúc sinh thời, ngài từng làm nghề đánh cá trên sông Cái (sông Hồng). Đến năm 29 tuổi mới đi tu. Tương truyền ngài từng chữa bệnh cho vua Lý nên được phong làm Quốc Sư. Sau đó vua Lý đổi tên chùa thành Thần Quang Tự. Ngày nay chùa vẫn giữ tên Thần Quang Tự. Nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Keo.
Những lễ thức có trong lễ hội này
Các lễ thức trong 3 ngày hội thu (tháng 9) của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, đua tài giải trí. Vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử. Hội là một bản diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Khổng Lộ. Trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều nghi lễ nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và tổ tiên làng xã. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu; cuộc sống an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc.
Đặc biệt là đám rước kiệu thánh vòng quanh chùa rất long trọng vào sáng ngày 14/9. Đây là một trong những đám rước hoành tráng nhất trong các lễ hội của vùng châu thổ Bắc bộ. Một đám rước khổng lồ có hàng nghìn người tham gia với nghi thức rước Thánh lên kinh đô chữa bệnh cho vua. Và cũng là sự diễn tả lại cuộc đời sông nước của ngài. Nét độc đáo của đám rước còn là một hình thức biểu đạt, đề cao sự tôn kính, trang nghiêm trong việc thờ thần của nhân dân làng Keo.
Một số hoạt động vui nhộn được tổ chức trong lễ hội chùa Keo
Bên cạnh đó là hoạt hoạt động vui hội như: Thi bơi chải; rước thuyền, các trò thi bắt ếch, tung lưới, thổi cơm, bắt vịt, đập niêu… Tạo nên không khí sôi nổi trên các khúc sông uốn lượn, kèn trống vang trời. Và hàng nghìn người xem đứng kín hai bên bờ đê. Cuối lễ hội chùa Keo còn có nghi lễ chầu thánh. Nghi lễ đặc biệt chỉ có ở lễ hội chùa Keo. Điệu múa chầu thánh là điệu múa cổ diễn tả bằng điệu chèo cạn và múa ếch vồ. Những động tác khoẻ mạnh, dứt khoát hướng về phía thờ thánh. Như muốn thể hiện cho thần thánh biết lòng biết ơn vô bờ bến của dân làng đối với Ngài.

Du khách hành hương về chùa Keo ngoài việc lễ phật, lễ thánh còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo mà hiện nay rất ít các công trình văn hóa cổ còn giữ lại được. Chùa Keo vẫn giữ nguyên được 17 công trình với 128 gian phân bố trên 2.022m2. Các công trình kiến trúc chính như: tam quan, chùa phật, điện thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp. Điều đáng quan tâm nhất là ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan – một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ 17.
Chùa Keo vẫn giữ được những nét kiến trúc xưa
Đến với hội thu chùa Keo, chúng ta vẫn tìm thấy những nét đẹp trong văn hoá tín ngưỡng của người dân nơi đây thông qua các nghi lễ tôn giáo, một số tập tục cổ truyền. Ngoài ra, thông qua các trò chơi dân gian truyền thống, hình thức biểu diễn nghệ thuật đã phản ánh được lối sống của vùng dân cư nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng./.
Chùa Keo là một trong những ngôi chùa của Việt Nam còn giữ lại được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa. Chùa có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá…. Năm 2012, chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Năm 2017 lễ hội Chùa Keo tiếp tục được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.