Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam nhằm tôn thờ những nữ thần có quyền năng sáng tạo, những người tài giỏi có công với đất nước, luôn bảo vệ và che chở cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Những nét đẹp văn hóa trong thờ Mẫu ở mỗi miền sẽ có sự khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng con người tới lòng từ bi bác ái. Đồng thời đáp ứng những nhu cầu, khát vọng của con người trong đời sống tâm linh.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì?
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng dân gian có lịch sử lâu đời. Gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ đã có nhiều biến chuyến, thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Thờ Mẫu chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ. Được người đời cho rằng có quyền năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người như: trời, đất, sông nước, núi rừng…
Thờ những vị thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước. Khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh.

Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là cái tâm hướng thiện. Bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng. Trong cuộc sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế. Thành tâm thờ phụng ông bà, tổ tiên. Cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước.
Sự khác biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu của ba miền
Thờ Mẫu ở miền Bắc
Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử. Tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần. Tương ứng thời kỳ từ thế kỷ 15 trở về trước. Với việc phong thần của nhà nước phong kiến. Hình thức thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Ỷ Lan nguyên phi, Bà chúa Kho, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương
Từ khoảng thế kỷ 15 trở đi; hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo.

Thờ Mẫu ở miền Trung
Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ. Đặc trưng cơ bản của dạng thức thờ Mẫu ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành. Và hình thức thờ Mẫu thần như thờ Thiên Y A Na,Po Inư Nưgar.
Thờ Mẫu ở miền Nam
So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định. Với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần. Còn ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn.
Hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt. Khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ. Lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước. Do đó tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng.
Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,… Và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,…