Lễ khai bươn hay còn gọi là lễ đầy tháng là một ngày rất quan trọng và có ý nghĩa với người Tày. Trong tâm thức của họ, đây chính là ngày lễ đánh dấu sự ra đời và quyết định đến số phận của một đứa trẻ nào đó trong gia đình. Phong tục này được xem là một nét văn hóa độc đáo và thú vị của người Tày, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo phong tục, khi làm lễ, cha mẹ của đứa bé cần phải treo một thanh củi đang cháy dở trước nhà để mọi người biết trong nhà có bé sơ sinh. Hãy khám phá những ý nghĩa, giá trị tốt đẹp của phong tục này trong bài viết dưới đây nhé!
Lễ khai bươn có ý nghĩa quan trọng đối với người Tày
Một đứa trẻ sinh ra là niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình. Bởi thế, hầu hết các gia đình đều tổ chức bữa cơm thân mật để mời anh em dòng tộc đến chúc phúc. Và với người Tày, thì lễ đầy tháng (khai bươn) là một hoạt động không thể thiếu trong vòng đời của đứa trẻ.
Lễ khai bươn của người Tày là lễ thức đầu tiên trong chu kì vòng đời của con người. Nên được bà con người Tày chuẩn bị rất chu đáo, công phu.Theo phong tục, ngày đầy tháng của con cháu; gia đình nào cũng phải mời thầy Tào đến làm lễ và đặt tên cho cháu bé. Thầy Tào (thầy cúng) là người am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Ông học rộng, biết nhiều, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Lễ khai bươn bắt đầu sau khi thầy đặt tên cho đứa bé. Đây là tên do thầy Tào đặt dựa vào ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh. Để đứa bé không chỉ có cái tên phù hợp; mà còn sẽ mang lại nhiều may mắn trong suốt cuộc đời. Tên này thường chỉ dùng khi tiến các nghi thức cúng tổ tiên. Còn tên gọi hàng ngày (tên khai sinh) là do ông bà, bố mẹ đứa trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, không ít gia đình lấy luôn tên thầy Tào đặt làm tên khai sinh cho đứa bé . Với kỳ vọng đứa bé sẽ được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn.
Một số nghi lễ trong ngày lễ khai bươn
Sau nghi lễ đặt tên, là nghi lễ khai bươn. Bà ngoại sẽ ẵm cháu bé vào nôi (võng). Và cất lời ru “ứ nọng nòn, nòn đắc, nòn đí” (cháu hãy ngủ cho say, cho sâu giấc). Với mong muốn đứa bé sẽ ăn no, ngủ kỹ. Tiếp đến một người có uy tín, học rộng, thông minh sẽ được gia đình lựa chọn để địu cháu ra đường. Mang theo sách vở để tượng trưng cháu đi học chữ. Và sau này đứa trẻ cũng học giỏi, thành đạt như người này. Đồng thời, lúc này thầy Tào ra ngoài đường, ngõ đi vào nhà chuẩn bị đồ lễ. Thắp hương làm lễ “khai bươn” cho bé mới đầy tháng tuổi. Và trao ấn bùa may mắn, ban áo phúc có những dòng chữ nôm dấu đỏ cho những đứa cháu còn nhỏ tuổi trong gia đình.
Theo phong tục của người Tày, sau lễ đầy tháng đứa bé mới được ra ngoài. Người mẹ cũng chính thức hết thời gian ở cữ và bắt đầu vừa nuôi con vừa làm việc nhà. Lễ đầy tháng là phong tục từ lâu đời của dân tộc Tày và vẫn còn duy trì đến ngày nay. Đây không đơn thuần là nghi lễ đầy tháng, đặt tên cho đứa trẻ mà còn mang giá trị nhân văn cao đẹp. Thể hiện trách nhiệm của gia đình, anh em dòng tộc và cả cộng đồng trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Thông qua đó tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó trong mỗi gia đình, bản làng.
Nghi thức gọi hồn là quan trọng nhất trong nghi lễ cúng đầy tháng
Trong nghi lễ cúng đầy tháng này nghi thức quan trọng nhất là gọi hồn; xem chân gà và đeo dây chuyền vào cổ của bé. Khi làm lễ xong, thầy cúng lấy một bát nước cùng một cái chén đặt vào đầu giường. Nơi đứa bé ngủ với ý nguyện sau này đứa trẻ sẽ lớn khôn, thông minh, cần cù, chịu khó.
Sau khi thầy cúng thực hiện sắp hết các nghi thức thì mọi người trong gia đình chuẩn bị thức ăn, rượu… Sau đó mời tổ tiên và mọi người quây quần bên mâm cơm quanh gian chính của ngôi nhà. Trong mâm cơm thầy cúng ngồi ở giữa, các chú, các bác cao tuổi ngồi cạnh thầy cúng.
Lễ đầy tháng và việc đặt tên cho con của người Tày Lạng Sơn có giá trị nhân văn, thiêng liêng, mang tính giáo dục rất riêng của dân tộc. Thể hiện sự đùm bọc cũng như cộng đồng trách nhiệm của hai bên gia đình, họ hàng. Trong việc chăm sóc người mẹ và trẻ nhỏ.