Đồng bào Nùng ở Việt Nam có nhiều phong tục tập quán độc đáo và mang nhiều giá trị về tín ngưỡng, tâm linh. Trong đó, lễ cúng mừng cơm mới là một trong những phong tục quan trọng của dân tộc này. Đây là một nghi lễ nông nghiệp nhằm tôn vinh tầm quan trọng của cây lúa trong cuộc sống, thể hiện lòng thành kính với các vị thần linh đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, người dân ấm no. Đồng thời cũng là dịp đoàn tụ của các thành viên trong gia đình. Để hiểu rõ hơn về lễ cúng mừng cơm mới của đồng bào Nùng hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Ý nghĩa của lễ cúng mừng cơm mới
Xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì là địa bàn có 450 hộ và 2.679 khẩu là đồng bào Nùng. Hàng năm, vào mùa lúa chín (cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch); đồng bào Nùng nơi đây thường tổ chức lễ cúng mừng cơm mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp hàm chứa giá trị văn hóa độc đáo về tín ngưỡng, tâm linh. Thể hiện sự tôn vinh cây lúa – cây nông nghiệp quan trọng trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Nùng.
Thông thường, lễ cúng mừng cơm mới kéo dài khoảng vài ba tuần khi bước vào mùa gặt. Các gia đình chọn một ngày đẹp để tổ chức lễ. Dâng thành quả lao động lên các vị thần linh cùng gia tiên. Cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe. Bên cạnh đó, lễ cúng cơm mới còn là dịp để các gia đình thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên. Và giáo dục thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Nghi lễ đón rước hồn lúa mới về nhà
Trong lễ cúng mừng cơm mới; nghi lễ đón rước hồn lúa mới về nhà được coi là quan trọng nhất. Với nghi lễ này, gia chủ sẽ chuẩn bị một bình ống nứa đựng một ít nước ruộng. Thúng đeo vai đựng gói tro bếp, bột ngô, gạo, trứng gà, liềm. Để xin các thần linh rước hồn lúa về nhà.
Khi ra đến đồng ruộng, gia chủ sẽ đứng về hướng Đông. Lấy từng gói tro, bột ngô, gạo đặt vào gốc cây lúa trĩu hạt nhất để xin rước hồn lúa mới. Sau đó, gia chủ sẽ ngắt một cành cây nhỏ có gai. Có thể là bưởi hoặc chanh cho vào thúng. Mục đích để cho hồn lúa không chạy mất khi gặp người cùng làng đi trên đường. Khi rước hồn lúa về tới nhà. Gia chủ sẽ chia thành 2 túm lúa đặt trên một góc bàn thờ để chờ cúng.
Còn lại đem tuốt làm cốm hoặc nấu thành xôi để dâng lên tổ tiên, trời đất. Nếu vì lý do nào đó mà gia đình không có đủ số thóc gạo mới để làm cốm hoặc nấu xôi thì có thể trộn lẫn một ít gạo cũ để nấu hoặc dùng một vài bông lúa mới đặt vào trong nồi xôi để lấy tinh chất hương hoa của hạt lúa mới dâng lên tổ tiên
Lễ vật trong mâm cúng
Sau khi rước được hồn lúa về nhà, các gia đình sẽ chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới. Lễ vật trong mâm cúng rất phong phú và đa dạng. Ngoài thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi, trồng cấy. Ví dụ như: thịt gà, vịt, lợn, cá thì gia chủ còn chuẩn bị các loại quả và xôi đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên.
Trong bộ trang phục truyền thống; thầy cúng mời đón các vị thần nông, thổ địa. Và làm lễ tạ ơn vì đã giúp đỡ gia đình được mùa lúa. Sau khi khấn lễ cảm tạ, các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đoàn viên.
Lễ cúng lúa mới là một nghi thức tiêu biểu trong hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì. Lễ cúng vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vừa mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.