Không giống như người Việt, người Dao không phân biệt vai vế theo con ông chú hay con ông bác. Họ cho rằng ai ra đời trước sẽ được làm anh. Vì vậy, ở người Dao có cách đặt tên đệm rất độc đáo để biết được vai vế của nhau. Với tục đặt tên này, chỉ cần cùng họ, khi nói ra tên đệm là mọi người có thể biết được vai vế anh em, họ hàng của nhau. Cứ thế mà biết cách xưng hô cho đúng, không sợ làm mất lòng nhau. Đây là một tục nghe khá lạ đối với những người ngoài, nhưng lại được duy trì từ đời này sang đời khác với người Dao. Hãy tìm hiểu tục đặt tên thú vị trong bài viết nhé!
Tục đặt tên đệm – văn hóa đặc sắc của người Dao
Văn hóa Dao có nhiều nét đặc sắc. Trong đó việc sử dụng hệ thống tên đệm để phân biệt thứ bậc phần nào thể hiện tư duy khoa học của đồng bào vùng cao. Bởi người Dao có truyền thống không phân biệt con ông chú hay con ông bác. Ai nhìn thấy mặt trời trước sẽ được làm anh, chị. Vậy nên, họ sử dụng hệ thống tên đệm để phân biệt vai vế, quan hệ họ hàng, anh em dòng tộc.
Tuyên Quang có 9 ngành Dao với nhiều dòng họ khác nhau như Bàn, Chúc, Lý, Triệu, Phùng, Đặng… Trong các dòng họ của người Dao, đều có cách đặt tên đệm khác nhau để phân biệt vai vế. Có dòng họ, tên đệm phân biệt đến đời thứ 5 là lặp lại. Có dòng họ lên tới 7 đời. Cụ thể, dòng họ Phùng (6 đời) với các tên đêm lần lượt là: Dùng, Thanh, Xuân, Văn, Kim, Chang; họ Chúc (6 đời) là Ỳ, Tạ (Đức), Thông, Minh, Phùng; và nhiều nhất là họ Bàn cao nhất là 7 đời gồm: Văn, Lộc, Thành, Kim, Tài, Nguyên, Hữu…
Việc đặt tên đệm cứ tuân theo trật tự từ trên xuống dưới và được lặp lại như thế trong các thế hệ người Dao. Tuy nhiên, việc đặt tên đệm chỉ áp dụng với những người đàn ông. Còn phụ nữ thì hầu hết đều đệm là Thị.
Cách đặt tên đệm có rất nhiều ý nghĩa với dân tộc Dao
Ông Bàn Văn Khé (dân tộc Dao), Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết; cách đặt tên đệm của người Dao như trên mang nhiều tầng ý nghĩa. Thứ nhất, thể hiện tôn ti trật tự trong dòng tộc. Khi nói tên đệm, ai ở đời nào thì tự biết mình thuộc bậc cha chú hay con cháu. Từ đó, có cách xưng hô phải phép, thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp của người Dao. Cách đặt tên đệm này còn hết sức khoa học nhằm tránh được hôn nhân cận huyết thống.
Ví như dòng họ Bàn có tới 7 đời. Nhưng theo quy định thì phải từ đời thứ 5 trở đi anh em trong dòng tộc mới được phép kết hôn được với nhau. Có như vậy mới đảm bảo cho đứa trẻ phát triển toàn diện mà vẫn duy trì nòi giống, dòng tộc của họ Bàn.
Với cách đặt tên đệm như trên, thì người Dao sinh sống khắp trong tỉnh cũng như cả nước. Khi gặp nhau, chỉ cần hỏi họ, tên đệm là có thể biết mối quan hệ họ hàng cũng như vai vế trong dòng tộc. Đó thể hiện tư duy đầy khoa học của người Dao và là nét đẹp văn hóa vẫn được duy trì đến ngày nay.
Ý nghĩa khác trong tục đặt tên đệm
Cũng theo quy định, những người cùng dòng họ phải trên 5, 6 đời mới được phép lấy nhau. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Như vậy, hệ thống các tên đệm không chỉ là dấu hiệu để nhận biết anh em họ hàng, mà qua đó còn biết được mức độ và khung thời gian cấm kết hôn trong dòng họ. Văn hóa Dao có nhiều nét đặc sắc trong đó việc sử dụng hệ thống tên đệm để phân biệt ngành Dao, thứ bậc, phần nào thể hiện tư duy khoa học của người miền núi.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại trong quá trình giao thoa với dân tộc khác, cách sử dụng tên đệm của người Dao một số vùng có sự biến đổi. Nam giới không theo hệ thống tên đệm, họ dùng tên đệm duy nhất là Văn hoặc tự động cải biến tên đệm giống người Kinh như Lý Tuấn Anh, Đặng Huy Hoàng…/.